Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Lễ kỷ niệm 68 năm truyền thống và 15 năm thành lập Trường Đại học Y tế công cộng, chiều 25/4/2016, Tọa đàm định hướng phát triển nghề nghiệp chuyên môn Y tế công cộng (YTCC) và Quản lý bệnh viện (QLBV) năm 2016 đã được tổ chức nhằm lắng nghe phản hồi của các đơn vị sử dụng nhân lực về các loại hình đào tạo của nhà trường gồm Cử nhân YTCC, Thạc sĩ YTCC và Thạc sĩ QLBV. Đặc biệt trong buổi tọa đàm có phần trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm học tập cũng như làm việc của các cựu sinh viên nhà trường. Những thông tin bổ ích này sẽ giúp cho các bạn sinh viên chuẩn bị tốt hơn nữa cho hành trang của mình trong quá trình học và sau khi tốt nghiệp. Dưới đây là bài chia sẻ của 1 số đại diện cựu sinh viên:

1.Cựu sinh viên: Đoàn Văn Chính

Lớp CNCQ K2A, cao học QLBV K6

Vị trí công tác: Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.

Trước tiên, tôi xin khẳng định những kiến thức và kỹ năng nhà trường trang bị cho sinh viên là rất tốt, vì vậy các sinh viên phải tự tin khi làm việc và hoàn toàn có thể thành công trong công việc, nghề nghiệp của mình. Hầu hết sinh viên ra trường rất năng động và thích nghi nhanh với mọi môi trường làm việc. Các bạn cũng không nên quá lo lắng về vấn đề nhu cầu việc làm của sinh viên y tế công cộng, vì thực tế nhu cầu còn rất nhiều, các em có thể làm trong nhiều lĩnh vực như: tham gia làm dự án, chương trình về y tế cộng đồng của các tổ chức phi chính phủ cũng như các tổ chức cơ quan nhà nước về môi trường, dinh dưỡng, dân số, an toàn vệ sinh thực phẩm, dịch tễ, chăm sóc sức khỏe và có thể tiến tới là một khâu kết nối bác sỹ gia đình với người bệnh... Làm trong các bệnh viện tại các phòng như: phòng KHTH, Trung tâm đào tạo- Chỉ đạo tuyến, phòng công tác xã hội, phòng quản lý dự án, phòng quản lý chất lượng. Hay làm ở các viện nghiên cứu, thậm chí làm nghiên cứu thị trường, nghiên cứu xã hội học. Đặc biệt là quản lý chất lượng và công tác xã hội trong bệnh viện hiện nay là còn mới mẻ và đang thiếu nhân lực.

Tôi xin được chia sẻ 1 số kinh nghiệm trong học tập cũng như làm việc như sau:

Kinh nghiệm học tập: Khi còn ngồi trên ghế nhà trường các sinh viên nhất thiết phải xây dựng cho mình một kế hoạch học tập, phải đặt ra mục tiêu và có giải pháp cụ thể cho các mục tiêu đó để nỗ lực thực hiện. Bên cạnh đó cần phải biết điểm mạnh của trường để tận dụng phát huy như: môi trường học tiếng Anh, học làm nghiên cứu trong đó chú trọng về phân tích số liệu, học lập kế hoạch, học tổ chức triển khai dự án, đây là điểm yếu của các trường khác. Kiến thức là rất rộng lớn nên cần chú trọng học những kiến thức theo định hướng nghề nghiệp, học kiến thức cơ bản thì tốt, cố gắng là chuyên gia của một lĩnh vực. Tận dụng thời gian để học và  không cần học dàn trải, vấn đề học khi ra trường là phải làm được việc và vì vậy là không những cần lý thuyết mà thực tế khi triển khai một việc là mình phải biết làm ngay mới là quan trọng và cần thiết. Nên tìm đến một số thầy cô để kết nối những việc mình cần làm và nhờ các thầy hướng dẫn, ví dụ cần xây dựng đề cương một nghiên cứu sau đó thử tiến hành và thực hiện như một luận văn, chỉ có làm thực tế một vài lần thì mới có kinh nghiệm. Về học tiếng Anh cần phải tự dịch một số cuốn sách chuyên ngành để có nhiều vốn từ về y tế công cộng và cũng có thể nhớ được tốt hơn.

Khi tìm việc: kinh nghiệm là phải liên hệ với các bạn học, các thầy cô, và liên hệ được càng nhiều mối quan hệ càng tốt.

Kinh nghiệm trong thời gian làm việc: Trước hết phải tìm hiểu những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức để hiểu rõ về tổ chức, đặc thù của tổ chức và công việc của mình. Phải xem tổ chức đó đang cần gì ở mình, mình làm được việc ở khâu nào trong tổ chức đó. Cái gì mình có mà hay như: phương pháp nghiên cứu khoa học,tổ chức đó đang cần thì phải lấy làm thế mạnh.

+ Trong công việc: Phải tự tin về khả năng làm việc của bản thân.Không ngại khó, ngại khổ, chủ động trong công việc là quan trọng, sáng tạo hay sáng kiến là rất quan trọng. Để ý đến quản lý chất lượng để mọi việc hiệu quả, làm việc phải có kế hoạch và protocol khoa học, nên liệt kê các việc cần làm theo thứ tự ưu tiên.  

+ Tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng: tham gia vào nhiều hoạt động của đơn vị đặc biệt là các hoạt động của Đoàn thanh niên, phải có tính cộng đồng. Giúp đỡ nhiều người không mong có thù lao.

+ Phát triển kiến thức chuyên môn và kỹ năng: luôn mang trong mình tinh thần cầu tiến. Chịu khó học hỏi thêm các kiến thức chuyên môn, rèn thêm các kỹ năng về thuyết trình, tin học, giao tiếp, viết báo cáo...phải đọc thêm nhiều sách đặc biệt sách về quản lý.

+ Rèn luyện đạo đức và tác phong làm việc: Sống hòa đồng, cởi mở, phải là người thật thà, đoàn kết và có trách nhiệm cao. Tác phong làm việc chuyên nghiệp.

Cuối cùng là cần có định hướng cho bản thân và có cơ hội là phải lắm bắt ngay.

Một số khó khăn và giải pháp khi làm trong môi trường bệnh viện

+ Khó khăn của sinh viên y tế công công khi làm trong môi trường bệnh viện là thiếu nhiều kiến thức y khoa. Vì vậy, phải khắc phục bằng cách đọc nhiều tài liệu, trao đổi và dựa vào cán bộ có chuyên môn tốt của bệnh viện để học tập và làm việc.

+ Tư duy và phương pháp tiếp cận vấn đề của người làm lâm sàng khác với làm y tế công cộng nên thường khó được chấp nhận khi đề bạt một vấn đề. Khắc phục bằng cách lồng ghép hoặc vận dụng không máy móc.

+ Nhiều kiến thức về y tế công cộng không được sử dụng trong môi trường bệnh viện nên cần chú trọng phát triển một số kỹ năng như: lập kế hoạch, phương pháp nghiên cứu khoa học, quản lý chất lượng...

(Bài chia sẻ của các cựu sinh viên khác sẽ được tiếp tục cập nhật trong thời gian tới)